Danh pháp Cụm biệt hoá

Danh pháp CD được đề xuất trong Hội thảo và Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về kháng nguyên biệt hoá bạch cầu người (HLDA), được tổ chức tại Paris năm 1982.[4][5] Hệ thống này được thiết lập để phân loại nhiều kháng thể đơn dòng (mAbs) liên kết với các epitope trên bề mặt phân tử của bạch cầu. Kể từ đó, việc sử dụng nó đã được mở rộng sang nhiều loại tế bào khác, và hơn 370 cụm và cụm con của CD đã được xác định. Phân tử bề mặt được đề xuất gán một số CD khi hai kháng thể đơn dòng đặc hiệu (mAb) được chứng minh là liên kết với một phân tử nhất định. Nếu phân tử chưa được mô tả tốt, hoặc chỉ có một mAb liên kết, nó thường được cho gán chỉ số tạm thời là "w" (như trong "CDw186").

Ví dụ, mAbs CD2 là chất thử phản ứng với glycoprotein xuyên màng 50 kDa được biểu hiện trên tế bào T. Sau đó, dùng ký hiệu 'CD' để mô tả các phân tử được công nhận và cần gán thuật ngữ 'kháng nguyên' hoặc 'phân tử' vào ký hiệu (ví dụ: phân tử CD2). Hiện tại, "CD2" thường được dùng để chỉ định phân tử và "kháng thể CD2" được dùng để chỉ định kháng thể.[6]

Các quần thể tế bào thường được xác định bằng ký hiệu '+' hoặc '-' để cho biết liệu một phân đoạn tế bào biểu hiện hay thiếu phân tử CD. Ví dụ: tế bào "CD34+, CD31-" là tế bào biểu hiện CD34, nhưng thiếu CD31. Sự kết hợp CD này thường tương ứng với một tế bào gốc, trái ngược với một tế bào nội mô đã biệt hóa hoàn toàn. Một số quần thể tế bào cũng có thể được xác định là cao, trung bình hoặc thấp (cách khác sáng, trung bình hoặc mờ), cho thấy sự thay đổi tổng thể của biểu hiện CD, đặc biệt có ích khi so sánh với các tế bào khác đang được nghiên cứu. Một đánh giá về sự phát triển của các tế bào T trong tuyến ức sử dụng danh pháp này để xác định các tế bào chuyển từ dương tính kép CD4trung bình/CD8trung bình sang CD4cao/CD8trung bình.[7]